,

Nguyễn Trường Tộ – Con người và di thảo

285,000 

“Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo” là một công trình nghiên cứu lịch sử đồ sồ. Tuy nhiên, quyển sách đã vượt tầm của một quyển sách nghiên cứu lịch sử thông thường. Bên cạnh việc trả lời những câu hỏi về quá khứ, quyển sách đã để lại nhiều suy ngẫm về thế nào là làm người, thế nào là một trí thức, thế nào là một người quốc dân. Chủ thể của quyển sách – Nguyễn Trường Tộ, một con người đã vượt ra khỏi cái khuôn thông thường để định nghĩa “tri thức” mà trở thành một danh nhân trong lịch sử Việt Nam.

Description

600 trang đánh máy, khổ pelure dài, lối 300.000 chữ, trong đó 4/5 là di thảo của một con người sinh cách chúng ta 158 năm và mất cách chúng ta 117 năm1.

Tôi được vinh hạnh – có lẽ – là một trong những độc giả đầu tiên của công trình nghiên cứu lịch sử đồ sộ này của Trương Bá Cần, với tôi, một bè bạn, dù anh và tôi có một khác biệt, trên một nghĩa nào đó, khá lớn: anh là một linh mục, tất nhiên tin ở Chúa, còn tôi, một đảng viên Cộng sản, tất nhiên vô thần. Và, linh mục Trương Bá Cần muốn tôi viết tựa cho quyển sách của anh.

Chắc chắn tôi không viết nổi bài tựa cho một thành quả lao động tốn nhiều năm tháng của một Tiến sĩ sử học mà, hơn một mặt, tôi hiểu thái độ nghiêm túc của anh – không chỉ trong trường hợp đặt Nguyễn Trường Tộ dưới ánh sáng của hiện thực lịch sử.

Vả lại khi tôi đọc bản thảo, vụ “phong thánh” ít nhiều quấy rối tâm tư tôi. Theo ý riêng – hoàn toàn ý riêng của tôi – Nguyễn Trường Tộ đáng được hiển thánh theo cái nghĩa cả thế tục lẫn tôn giáo. Nếu quả con người có linh hồn và linh hồn vẫn tồn tại khi trái tim con người ngừng đập, thì Nguyễn Trường Tộ hiện đang ở cạnh Chúa, với vị trí cao, rất cao.

Tôi biết tiếng anh Trương Bá Cần trước lúc gặp anh – tôi chỉ gặp anh sau ngày 30-4-1975. Trong hoạt động bí luật, tôi đọc anh và khâm phục, nhưng tôi khâm phục các anh Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, Huỳnh Công Minh, Vương Đình Bích, Nguyễn Hồng Giáo, Phan Khắc Từ, Nguyễn Nghị… Bài nghiên cứu của anh – tôi hoàn toàn thông cảm những hạn chế mà anh bắt buộc phải chấp nhận do điều kiện tồn tại của anh – về sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc sau 19542, gieo trong chúng tôi sự tôn trọng tính dũng cảm của một linh mục giữa muôn trùng hiểm nguy mà chiếc áo chùng thâm và cây thập giá không phải lúc nào cũng giữ vai trò hộ mệnh tuyệt đối.

Bây giờ, tôi đọc Nguyễn Trường Tộ của anh. Điều anh mang lại cho tôi là: Cần đánh giá công bằng cống hiến của mọi con người Việt Nam, dù theo tín ngưỡng nào, trong những bối cảnh vô cùng phức tạp.

Tôi thường nghĩ: thật dễ dàng nói về điều không hay của Giáo hội đạo Thiên Chúa ở Việt Nam suốt mấy trăm năm mà đạo Thiên Chúa “đổ bộ” lên miền đất này, nhưng điều đáng quý là tìm trong mớ hỗn độn ấy – có cái thuộc quy luật quá trình phát triển của thế giới, có cái do kẻ ngoài lợi dụng đạo Chúa, có cái từ trình độ ấu trĩ của vua quan ta… những tia sáng, nhỏ và lớn, để hiểu thêm chiều sâu của phẩm giá dân tộc Việt Nam.

Nếu Nguyễn Trường Tộ là một người lương, các “điều trần” của ông vẫn đặc biệt như Nguyễn Lộ Trạch, nhưng Nguyễn Trường Tộ là một tín đồ đạo Thiên Chúa, các “điều trần” của ông càng tôn vinh ông. Tôi không đi vào khía cạnh “đổi mới tư duy” mà ông kiên trì, tôi chỉ muốn nhấn mạnh những kiến nghị vì lợi ích của đất nước, mà với tư cách một tín đồ đạo Thiên Chúa đang bị Triều đình ngược đãi, dân chúng nghi kỵ, ông không ngần ngại trình bày, hy vọng nhà vua đảo ngược thế cờ, chuyển nguy thành an, chuyển yếu thành mạnh, chuyển lạc hậu thành tiên tiến cho cả quốc gia, bấy giờ, đứng trước khả năng sụp đổ không phải khó thấy.

Nguyễn Trường Tộ là một trí thức – theo nghĩa gần với hiện đại. Phân tích kỹ các “điều trần”, chúng ta dễ dàng phát hiện tính “không tưởng” ở một số chủ trương của Nguyễn Trường Tộ – Ông nóng vội và nhất là ông không biết cơ chế của triều Tự Đức không bao giờ cho phép suy nghĩ của ông trở thành hiện thực bởi chúng đụng đến bức tường lạc hậu kinh khủng về học vấn, về khoa học, sự mụ mẫm trong đầu các quan lại cao cấp, kể cả đấng chí tôn – nhưng ông vẫn không mệt mỏi. Tấm lòng yêu nước thúc đẩy ông. Ta quý Nguyễn Trường Tộ ở chỗ đó.

Nguyễn Trường Tộ được giới học giả Việt Nam nghiên cứu trước anh Trương Bá Cần khá lâu. Do những hạn chế về tư liệu, cũng không loại trừ hạn chế về quan điểm khi đem một tín đồ đạo Thiên Chúa ra phán xét, những công trình chỉ mới tiếp cận Nguyễn Trường Tộ. Anh Trương Bá Cần làm nốt phần dở dang cũ, với thái độ của một nhà khoa học. Anh cố gắng để Nguyễn Trường Tộ tự nói, tự giới thiệu, tự “điều trần”. Sẽ quá sớm nếu chúng ta cho rằng anh Trương Bá Cần đã hoàn thành ý định. Tư liệu tuy dồi dào song không thể coi như đầy đủ. Các nhà khoa học khác – hoặc chính anh Trương Bá Cần – sẽ bổ sung, để chúng ta có một gương mặt Nguyễn Trường Tộ, theo thời gian, hoàn chỉnh hơn.

Nguyễn Trường Tộ, qua Trương Bá Cần, “điều trần”. Thật may cho danh sĩ đất Nghệ Tĩnh, đọc “điều trần” của ông là chúng ta, những người đang sống cuối thế kỷ 20 và không phải là vua Tự Đức cùng các triều thần chẳng chấp nhận cái gì cả ngoài Tứ thư, Ngũ kinh…

Bây giờ, hãy để tác giả phụ – linh mục Trương Bá Cần – và tác giả chính – Nguyễn Trường Tộ – nói với người đọc.

Reviews

There are no reviews yet.

Be the first to review “Nguyễn Trường Tộ – Con người và di thảo”

Your email address will not be published. Required fields are marked *